Sầu đong càng lắc càng đầy…

Bài viết này Vũ viết cho thư viện điện tử của mình mấy năm về trước và đăng trên vài website thân hữu như handheldvn. Nay chép lại ở đây để kính tặng thầy Phan An và tất cả các thầy cô bè bạn…

Nguyễn Vũ

SẦU ĐONG CÀNG LẮC CÀNG ĐẦY…
Tôi xin bắt đầu cái topic nầy. Mong các bạn nào từng “trót yêu nàng Kiều” cùng tham gia nhé.

Bàn về chữ “Sầu”, người ta có nhiều chữ để diễn tả nỗi sầu ở các mức độ khác nhau: sầu da diết, sầu thê lương, sầu vạn cổ, sầu man mác, sầu đau sầu đớn,….

Nhưng tả được nỗi sầu một cách cụ thể, rất bình dân nhưng cũng rất văn hoa thì chỉ có Nguyễn Du:

“Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”

Tôi vốn là học sinh chuyên toán. Khi nghe câu nầy lần đầu thì chẳng hiểu gì cả. Lại nghĩ “sầu đong” là cái gì nhỉ? Có lẽ “sầu đông” mà người ta in nhầm chăng? Mà cây sầu đông mà “càng lắc” thì chỉ có nước … rụng lá chứ càng đầy là nghĩa gì? Hay là lá rụng đầy sân? Cụ Tố Như có linh thiêng thì xin thứ cho chứ thực tình hồi trung học tôi nghĩ như vậy.

Cho đến khi lên lớp, thầy Phan An, giáo viên kỳ cựu về Kiều của trường cấp ba TX Thủ Dầu Một, giảng nghĩa, tôi mới “vỡ” ra và khâm phục cách dùng chữ của cụ Tố Như quá xá.

Thường cái gì đong trong lon, trong thúng, khi ta “càng lắc” thì nó “càng vơi” xuống. Không tin thì bạn thử xúc một .. lon gạo rồi lắc thử xem. Rõ ràng là “càng lắc càng vơi” Thế nhưng nỗi sầu thì không biết Nguyễn Du đong bằng cái gì nhưng lại “càng lắc càng đầy”! Quả thật nỗi buồn khi ta càng gặm nhấm nó thì nó lại càng lớn thêm lên chứ chẳng bớt đi chút nào.

Sầu đong “càng lắc càng đầy”

Mà đối với tuổi mới lớn thì còn nỗi buồn nào thấm thía cho bằng chia tay với người yêu. Gặp nhau cả ngày trời, vừa mới chia tay đã nhớ, đã muốn gặp lại ngay. Trong lòng lúc nào cũng bồn chồn, không yên, chỉ muốn gặp lại người yêu ngay lập tức. Mà gặp không được thì sinh buồn sầu, xem mỗi giờ trôi qua dài cả thế kỷ (nhất là khi không có cả cái “a-lô” thì còn khổ đến mức nào). Chỉ mong sao trời mau sáng để có dịp gặp lại người yêu.

Vừa mới sáng đã mon men đến nhà em (hay nhà anh) thì mới hay cả nhà em … đi chơi xa, lâu lắm đến … chiều mai mới về. Ối giời ơi, sao không bảo nhau tiếng nào …

Kinh Thi có câu “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” nghĩa là “một ngày không gặp dài như ba năm” mà cụ Nguyễn Du đã “phiên dịch” sang Việt ngữ rất tài tình, rất chuẩn và cũng rất bình dân: “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”


Thế mà em đến mãi tối mai mới về. Cơ khổ. Cứ mỗi lần nhớ là mỗi lần “lắc” (lắc cái nỗi sầu chứ không phải thuốc lắc nhé, đừng có mà vớ vẫn) và càng lắc thì cái nỗi buồn cứ thế mà dâng lên, đầy lên mãi, muốn không nghĩ cũng không được.

Sầu đong càng lắc càng đầy

Thời gian trôi qua thật mau, thoắt cái đã gần ba chục năm, nhưng tôi vẫn còn cái cảm giác như tiết học văn vừa mới tan sáng nay. Khi thầy Phan An nói lời cuối sau tám tiết học truyện Kiều.

Đứng trên bục giảng, thầy chầm chậm nhìn quanh cả lớp và nhè nhẹ gấp quyển sách giáo khoa trên tay. Giọng thầy chẫm rãi nhưng thật ấm áp và trân trọng: “Thôi. Chúng ta đã khuấy động và làm phiền nàng Kiều suốt mấy tuần qua. Giờ thì chúng ta hãy khép cánh cửa lại để nàng Kiều bạc mệnh của chúng ta được nghỉ một giấc bình yên. Vâng, một giấc thật bình yên trong lâu đài văn chương văn học Việt Nam.”

Xin cảm ơn thầy đã truyền cho chúng em sự hiểu biết, niềm cảm hứng và say mê với truyện Kiều.

Sầu đong “càng lắc càng đầy”

 …

California 2004.

9 Responses to Sầu đong càng lắc càng đầy…

  1. Hồ Trí-Dũng nói:

    ! ở đây không chỉ khen hay vì tài viết của Vũ mà còn bái phục bạn mình dù là công việc ở Mỹ ngốn thời gian lắm mà bạn có thể sắp xếp để viết thì … Bái phục!!!

  2. TÔI LÀ MỘT NGƯỜI KHÁCH TÌNH CỜ GHÉ QUA BLOG CỦA ANH KHI NHỚ CÂU THƠ CỦA CỤ NGUYỄN VÀ LÊN GOOGLE TÌM. CHƯA ĐƯỢC GẶP THẦY PHAN AN, CHƯA ĐƯỢC BIẾT CÁC ANH CHỊ, NHƯNG ĐỌC BÀI BÌNH VÀ CÁC COMMENT THẤY THẬT THÚ VỊ, TÔI QUAN NIỆM VĂN LÀ NHÂN. CẢM ƠN THẬT NHIỀU……

  3. Nguyễn Anh-Tài ( Thomas Nguyen) nói:

    Hello, Vũ.

    Thấy Vũ nhắc tới thầy An mình mới nhớ lại thầy giảng văn thật là tuyệt vời, đặt biệt là thơ Hán Việt. Tụi này là nhóm hay “cúp cua” đi uống cafe nhưng tới giờ thầy An thì “Bích Hổ Du Tường” có mặt đầy đủ để nghe thầy giảng. Vũ còn nhớ bài “Hà Tích Sở Kiến Xứ” của Thôi Hộ thầy đã giảng không?

    Tích niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
    Nhân diện bất tri hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    Vũ còn văn hay chữ tốt “mần” luôn bài này cho các chiến-hữu được “am tường”…..

  4. Trương Thanh-Phong nói:

    Nhớ ngày xưa thầy An giảng “Kiều” bạn bè ai cũng mê mẩn, chỉ có Phong là như nước đổ lá môn, không thể nào “ngấm” được những vần thơ của cụ Nguyễn Du.

    Vậy đó, rồi một ngày đọc lại truyện “Kiều”, mọi thứ vỡ oà, những lời bình giảng của thầy ngày xưa như một sự “điểm nhãn” cho cái đầu gạch nung của Phong.

    Thì ra để có thể yêu “Kiều”, trái tim phải biết rung động, cái đầu phải mềm đi…

  5. Lưu Thu Trang nói:

    Lớp 12A ngày xưa không có diễm phúc được học Thầy Phan An, để được ngấm truyện Kiều như Vũ và các bạn khác đã ngấm…
    Thật sự không ngờ, xa quê đã hơn 20 năm rồi mà Vũ vẫn còn viết tốt thế này.
    Bái phục!
    Thu Trang

  6. Pingback: Sầu đong càng lắc càng đầy… | Cấp 3 Thị-xã Thủ-dầu-một Blog

Bình luận về bài viết này